Tranh Thủy Mặc Bát Mã

Tranh thủy mặc đã có từ lâu và phát triển mạnh ở Trung Hoa. Người Trung Hoa gọi dòng tranh thủy mặc là Quốc họa (guo hua)...

Tranh thủy mặc, hiểu một cách đơn giản:  thủy (shui-nước), mặc (mo-mực) tức là dùng mực (màu đen), hay chúng ta thường gọi là mực tàu hòa với nước theo một tỷ lệ nhất định để họa sĩ miêu tả một sự vật hoặc một hiện tượng nào đó theo chủ đề, ý tưởng của tác giả hoặc theo yêu cầu của khách trên nền giấy dó hoặc giấy xuyến chỉ.

Khác với vẽ tranh sơn dầu, sơn mài, bột màu hay các chất liệu khác hiện có, tranh thủy mặc có phong cách riêng, phương thức thao tác cũng có khác, đòi hỏi người vẽ phải có kỹ thuật cầm bút, xử lý màu sắc, đôi tay phải luôn nhịp nhàng, uyển chuyển khi biểu hiện nội dung và thể hiện tác phẩm.
Khi vẽ tranh sơn dầu, sơn mài…người họa sĩ có thể sửa chữa nhiều lần, sử dụng mầu sắc để diễn tả hình khối, ánh sáng,... song trong dòng tranh thủy mặc đòi hỏi người họa sỹ phải thuần thục trong các thao tác từ việc điểm mực nhiều hay ít, kết hợp với sự linh hoạt của các ngón tay trên bàn tay để đưa cánh tay nhịp nhàng nhanh chậm, tạo ra những đường nét đậm nhạt, cấu trúc hình khối. Sự kết hợp ấy thể hiện kỹ năng, kỹ xảo điêu luyện, với ý tưởng nội dung tranh của tác giả. Nói một cách khác, vẽ tranh thủy mặc rất khó, đòi hỏi phải thuần thục, nhuần nhuyễn trong thao tác kết hợp giữa các yếu tố vật chất như bút lông, giấy, mực, nước… Đó là những họa cụ chuyên dụng, với tư duy nghệ thuật sáng tạo cao của người họa sĩ.


Bình luận